Phương pháp làm dạng bài Multiple choice trong IELTS Listening
IELTS (International English Language Testing System) được biết đến như một bài kiểm tra năng lực tiếng Anh phổ biến. Bài thi đánh giá mức độ thành thạo ngôn ngữ ở cả bốn kỹ năng bao gồm nghe, nói, đọc và viết. Đối với phần thi nghe nói riêng, thí sinh sẽ phải trả lời 40 câu hỏi thuộc nhiều dạng bài khác nhau. Trong đó, dạng multiple choice questions là dạng bài gây không ít khó khăn cho người nghe. Vậy đặc điểm các câu hỏi multiple choice là gì và phương pháp tiếp cận dạng bài như thế nào để tối ưu điểm số? Bài viết dưới đây sẽ giúp các thí sinh giải đáp thắc mắc này.
Tổng quan về IELTS Listening và dạng bài Multiple choice questions
IELTS listening test kéo dài trong khoảng thời gian 30 phút, với 4 bài nghe khác nhau thuộc 4 phần 1, 2, 3 và 4, cụ thể:
Phần 1: Thí sinh được nghe một đoạn hội thoại giữa 2 người, diễn ra trong bối cảnh của cuộc sống hằng ngày, xoay quanh các nội dung như đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, trao đổi thông tin việc làm, phỏng vấn, các thông tin về hội thảo, hội nghị hay đặt hàng, …
Phần 2: Là một bài độc thoại được đặt trong bối cảnh xã hội hàng ngày, ví dụ: bài giới thiệu về một khách sạn, viện bảo tàng hay khu du lịch
Phần 3: Trong phần này, thí sinh được nghe một cuộc trò chuyện giữa tối đa bốn người, trong bối cảnh giáo dục hoặc đào tạo, ví dụ như cuộc thảo luận giữa giảng viên hướng dẫn và các sinh viên về một đề tài nghiên cứu.
Phần 4 – Là một bài giảng/ thuyết trình về một chủ đề mang tính học thuật
Tổng quan về listening
Mỗi phần thi bao gồm 10 câu hỏi thuộc nhiều dạng bài khác nhau, gồm có:
Matching (nối thông tin)
Plan, map, diagram labelling (hoàn thành các bản đồ, bảng kế hoạch hay quy trình)
Form, note, table, flowchart, summary completion (điền thông tin vào bảng, biểu mẫu, bài tóm tắt)
Sentence completion (hoàn thành câu)
Short-answer questions (câu trả lời ngắn)
Multiple choice (câu hỏi lựa chọn)
Mỗi dạng bài như trên sẽ có các yêu cầu, đặc điểm cũng như cách tiếp cận khác nhau. Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ phân tích sâu hơn về dạng bài multiple choice cũng như đưa ra phương pháp làm bài hiệu quả nhằm giúp các thí sinh có thể đạt được điểm số mong muốn.
Đặc điểm dạng bài Multiple choice và cách tiếp cận
Dạng câu hỏi trắc nghiệm là dạng bài đưa ra các câu hỏi cùng với nhiều sự lựa chọn trả lời được đánh dấu bằng các chữ cái in hoa A, B, C, D… Thí sinh nghe và chọn ra đáp án chính xác nhất. Nhìn chung thứ tự câu hỏi trong dạng bài có câu hỏi trắc nghiệm sẽ theo thứ tự thông tin được đưa ra trong bài nghe, tuy nhiên các lựa chọn câu trả lời sẽ không theo trật tự này.
Nhìn chung, dựa vào số lựa chọn của câu hỏi cũng như số câu trả lời đúng được yêu cầu cho một câu hỏi, thí sinh có thể chia ra thành 2 dạng nhỏ của dạng multiple choice, cụ thể như dưới đây.
Dạng câu hỏi có 1 lựa chọn chính xác
Đối với dạng bài này, có 3 sự lựa chọn A, B, C khác nhau cho một câu hỏi và thí sinh được yêu cầu chọn ra duy nhất một đáp án chính xác nhất trong 3 lựa chọn trên. Ví dụ:
(Đề minh họa cho dạng bài Multiple choice questions bởi ielts.org )
Dạng câu hỏi với nhiều hơn 1 lựa chọn chính xác
Đối với dạng này, mỗi câu hỏi sẽ đi kèm với nhiều hơn 3 sự lựa chọn khác nhau, thông thường là 5 hoặc 6, và số câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi thể là 2 hoặc nhiều hơn 2. Thí sinh cần đọc kỹ yêu cầu đề bài để xác định số đáp án cần. Ví dụ
(The Official Cambridge Guide to IELTS, P Cullen, A French, V Jakeman – 2014)
Lưu ý: Đối với bài thi trên giấy, khi điền vào phiếu đáp án, thi sinh không cần lo lắng về trật tự câu trả lời.
Phương pháp làm bài dạng bài Multiple choice
Khi gặp dạng bài có các câu hỏi dạng bài Multiple choice, thí sinh có thể tiếp cận theo các bước sau đây:
Bước 1: Đọc tiêu đề, câu hỏi và gạch chân các từ khóa (key words)
Việc đọc tiêu đề (title) sẽ giúp thí sinh nắm được ngữ cảnh chung của bài nghe, và do vậy có thể chủ động hơn trong quá trình nghe. Ví dụ “Matthews Island Holidays” – tiêu đề này giúp thí sinh nắm được bao quát nội dung sắp nghe sẽ liên quan có đến thông tin về kỳ nghỉ ở một hòn đảo.
Tiếp theo, thí sinh cần đọc kỹ để nắm được yêu cầu của câu hỏi, đồng thời gạch chân các từ khóa quan trọng giúp xác định đáp án đúng và sai. Trong dạng bài này, thí sinh có thể được yêu cầu chọn câu trả lời cho một câu hỏi hoặc chọn phần thông tin còn thiếu để hoàn thành câu, ví dụ:
(Ví dụ từ đề thi trong Cambridge IELTS 15)
Trong ví dụ trên, câu hỏi 1 và 4 chứa những phần thông tin chưa hoàn chỉnh và thí sinh cần phải chọn phần còn thiếu từ 3 lựa chọn A, B, C để điền vào các câu văn này. Khi gạch chân từ khóa, thí sinh cần tìm các từ mang thông tin cần thiết trước, thông thường là các từ hoặc cụm danh từ (làm chủ ngữ của câu), động từ, tính từ hay trạng từ. Ngược lại, các giới từ (in, on, at, for, by, from…), mạo từ (a, an, the), đại từ (he, she, it, they…), hay trợ động từ (is, am, are, have, has, do, did…) thường không phải là từ khóa vì các từ này chỉ có chức năng đảm bảo ngữ pháp cho câu và không mang nội dung thông tin cần truyền đạt.
Câu 2 và 3, mặt khác, là một câu hỏi hoàn chỉnh yêu cầu người nghe tìm thông tin để trả lời cho câu hỏi đó. Đối với các câu hỏi này, từ để hỏi cũng là từ khóa cần gạch chân nhằm giúp thí sinh định hướng được đáp án cần phải nghe là loại thông tin gì. Ví dụ: một địa điểm (where?), thời gian (what time? How long?), giá cả (how much?), số lượng (how many?), nguyên nhân (why?), khoảng cách (how far?), …
Đối với dạng câu hỏi có nhiều hơn 2 đáp án chính xác, thí sinh cần xác định số lượng câu trả lời cần chọn mà đề bài yêu cầu.
Ví dụ: “Choose TWO letters, A- E” (chọn hai chữ cái, từ A đến E)
“ Which THREE benefits of automated vehicles does the writer mention? (Người viết đề cập đến BA lợi ích của phương tiện tự động?)
Bước 2: Gạch chân từ khóa và tìm điểm khác biệt trong các lựa chọn A, B, C…
Sau khi đã nắm được thông tin câu hỏi, việc tiếp theo mà thí sinh cần làm là xác định nội dung được đưa ra trong các lựa chọn đáp án. Ở bước này, thí sinh cần tìm và gạch chân các từ giúp phân biệt sự khác nhau chính giữa những lựa chọn, đặc biệt là các câu có độ dài, vì đây là phần thông tin giúp thí sinh loại trừ đáp án không chính xác một cách nhanh nhất trong quá trình nghe mà không phải đọc lại toàn bộ nội dung câu.
Đối với dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn thông tin để hoàn thành câu, thí sinh cần xác định vị trí còn thiếu trong câu hỏi là loại từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) hoặc cụ thể hơn là loại thông tin gì (con số, tên riêng, giá cả, địa điểm, giá tiền, khoảng cách,…), sau đó gạch chân các phần thông tin chính này trong các lựa chọn.
Lưu ý: thí sinh cần chú ý yếu tố so sánh trong các câu, cụ thể là đối tượng nào được so sánh. Mặt khác, những phần thông tin giống nhau giữa các lựa chọn sẽ không phải là từ khóa.
Ví dụ:
Phân tích câu hỏi 1 ở trên, các từ được gạch chân và in đậm là các từ khóa giúp phân biệt ba lựa chọn A, B ,C. Có thể thấy, nội dung chung của cả ba câu là đang so sánh công ty du lịch này (đối tượng chính của bài nghe) với các đối thủ của nó, do vậy cả 3 lựa chọn đều chứa cụm từ “its competitors”. Những phần thông tin giống nhau giữa 3 câu trả lời như vậy không nên được chọn làm từ khóa. Ngược lại, khía cạnh được đưa ra so sánh (nằm trong các từ và cụm từ như “in business longer”, “more destination”, “more customers”) mới là điểm cần chú ý.
Đối với các câu hỏi về quan điểm (opinion), để xác định được từ khóa, thí sinh có thể đặt các câu hỏi nhỏ đề tìm ra phần thông tin quan trọng chính của các đáp án này, cụ thể như sau:
Who? (Ai là người đưa ra ý kiến)
What? (Ý kiến/ thái độ được đưa ra là gì)
When/where? (Câu hỏi có chỉ cụ thể thời điểm/ địa điểm ko?)
Bước 3: Nghe và tìm câu trả lời
Trong quá trình nghe, một số yếu tố góp phần làm tăng độ khó của phần thi có thể kể đến như paraphrase (là những cách diễn đạt khác nhau của các từ khóa trong câu hỏi hoặc các lựa chọn khi được đề cập đến ở bài nghe), hoặc các “bẫy” (distractors) để đánh lừa thí sinh. Thí sinh do vậy cần nắm được các đặc điểm này để có thể lưu ý và chủ động hơn cả trong quá trình luyện tập cũng như làm bài.
Paraphrase trong bài nghe
Các từ khóa trong những lựa chọn trả lời có thể không được đọc lại chính xác trong bài nghe mà thay vào đó sẽ được paraphrase lại (bằng việc sử dụng từ đồng nghĩa hay thay đổi từ loại) hoặc được diễn đạt lại bằng cách khác, do vậy thí sinh không nên phụ thuộc hoàn toàn vào từ khóa hay chờ các từ này xuất hiện để tìm đáp án đúng, thay vào đó là nghe kỹ các thông tin có liên quan xung quanh đáp án để loại trừ khi cần thiết.
(Ví dụ từ đề thi trong Cambridge IELTS 14)
Phân tích đáp án và lời thoại
Bảng trên còn được gọi là “keyword table”. Trong quá trình luyện tập, việc lập bảng thống kê các cách paraphrase keyword từ câu hỏi và đáp án trong bài nghe sẽ giúp thí sinh làm quen với các cách diễn đạt ý khác nhau (paraphrase) cũng như góp phần tăng thêm vốn từ vựng của mình.
Thứ tự các đáp án và những “bẫy” (distractors) có thể gặp
Các lựa chọn A, B, C… sẽ được nhắc đến trong bài nghe theo một thứ tự bất kỳ, do vậy thí sinh cần chú ý nắm bao quát nội dung cả 3 lựa chọn này trong quá trình nghe để tránh bỏ sót đáp án.
Một số “bẫy” mà thí sinh thường gặp phải trong bài nghe
Các lựa chọn thông thường đều sẽ được đề cập đến trong bài nghe, vì thế từ khóa đầu tiên mà thí sinh nghe được chưa hẳn là câu trả lời cần tìm. Đồng thời sẽ có nhiều “bẫy” (distractors) – Là những thông tin gần giống với một đáp án nào đó nhưng không phải câu trả lời đúng.
Ví dụ:
Lời thoại:
(Ví dụ từ đề thi trong Cambridge IELTS 15)
Như vậy có thể thấy, các lựa chọn A, B, C trong hai câu hỏi trên đều được đề cập đến trong bài nghe, tuy nhiên thông tin liên quan đến đáp án này không trùng khớp với thông tin yêu cầu ở đề bài. Cụ thể:
Ở câu hỏi 1
Đáp án A (Liverpool) và C (Luton) được đề cập đến khi mô tả về một trong những cách mà hành khách có thể đến được hòn đảo Isle of Man, đó là đi tàu hỏa đến Liverpool, sau đó từ Liverpool đi phà để đến Isle of Man. Hoặc hành khách cũng có thể bay từ Luton đến.
Đáp án B là đáp án chính xác ví trong bài nghe, thông tin được đưa ra là “chuyến nghỉ dưỡng sẽ được bắt đầu ở Heyshame, nơi mà hành khách gặp được người quản lí tour”, khớp với yêu cầu đề bài
Ở câu hỏi 2
Đáp án A (three) là số ngày của chuyến đi
Đáp án C (five) là tổng số bữa sáng (breakfasts) và tối (dinners) được bao gồm trong mức giá chi trả
Điều này không khớp với yêu cầu đề bài, là số bữa trưa (lunches). Do vậy B mới là đáp án chính xác.
Trong một số trường hợp, thông tin trong một đáp án được đưa ra ban đầu là chính xác, nhưng sau đó bị phủ định lại bởi chính người nói bằng việc diễn đạt ý với các từ nối như “but” (nhưng), “no” (không), “ although” (mặc dù), “however” (tuy nhiên) …
Câu hỏi ví dụ:
Lời thoại:
(Ví dụ từ đề thi trong Cambridge IELTS 14)
(Các từ được gạch chân là các key words cần thiết để phân biệt sự khác nhau giữa 3 lựa chọn cũng như giúp xác định câu trả lời chính xác)
Xét ví dụ trên, sau khi xác định và gạch chân cả các từ khóa trong 3 lựa chọn A, B và C, thí sinh có thể thấy cả 3 từ khóa này đều được nhắc đến trong bài nghe. Trong đó, đáp án C – với từ khóa “ a video clip” ban đầu được nhắc đến bởi người nói như một đáp án đúng, tuy nhiên sau đó người nói ngay lập tức phủ định lại ý vừa rồi bằng việc dùng “But” – “but that’d be a bit childish” (Nhưng điều đó hơi trẻ con). Do vậy đáp án này không còn là câu trả lời chính xác. Tương tự “a drawing” cũng được đề xuất bởi người nói thứ 2, nhưng sau đó người nói cũng từ chối đề xuất của chính mình bằng việc đưa ra câu trả lời “No” (không). Còn lại đáp án B, được sự đồng ý của cả 2, là đáp án cần tìm.
Lưu ý đối với dạng câu hỏi về quan điểm (opinion)
Multiple choice question khi xuất hiện trong phần 3 của bài nghe thông thường sẽ có các câu hỏi về quan điểm của những người nói về một vấn đề được đề đang được thảo luận, thông thường với dạng câu hỏi:
“What do/did A & B agree about…?” hoặc “A & B agree that…”
(Ví dụ từ đề thi trong Cambridge IELTS 14 & 15)
Xét hai ví dụ ở trên, câu hỏi đề bài yêu cầu thí sinh tìm ra quan điểm hoặc ý kiến mà cả hai người nói xuất hiện trong đoạn hội thoại đều đồng ý. Thông thường, một người sẽ đề xuất ý kiến của mình và người còn lại sẽ đưa ra quan điểm bằng việc trả lời họ có đồng ý hay không. Nếu câu trả lời thể hiện sự đồng ý – “Yes, I suppose you’re right.” – (Vâng, tôi cho là bạn đúng) hoặc “true” (chính xác rồi) – vậy quan điểm được đề cập trước đó chính là đáp án cần tìm.
Đối với dạng dạng câu hỏi về quan điểm, ý kiến, các lời nói trong cuộc hội thoại có liên quan đến đáp án đúng sẽ mang nhiều chức năng khác nhau, cụ thể như
Đưa ra đề xuất
Đồng ý với ý kiến/ đề xuất
Từ chối, phản đối một ý kiến/ đề xuất
Kết luận
Như vậy, để chinh phục dạng bài Multiple choice và đạt được điểm số mong muốn trong bài thi IELTS listening, thí sinh cần làm quen với đặc điểm câu hỏi cũng như đưa ra chiến lược làm bài đúng đắn. Bài viết trên hy vọng giúp các thí sinh nắm rõ các thông tin liên quan đến dạng bài Multiple choice questions để có thể luyện tập hiệu quả và tự tin vượt qua bài thi.
CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ KHÓA HỌC