4 GIAI ĐOẠN TỰ HỌC IELTS

4 GIAI ĐOẠN TỰ HỌC IELTS

Đôi nét về bản thân

 
Mình tên là Nguyễn Ngọc Diệp. Mình mới thi IELTS đợt 29/8 vừa rồi tại Hội đồng Anh và đạt kết quả
 
Overall Band 8.0, trong đó: Reading 9, Listening 8.5, Writing 7, Speaking 7.5. Trước khi thi, mình tự đặt ra 4 giai đoạn ôn thi để đạt điểm IELTS Band 8.
 
Đối với bản thân mình, 4 giai đoạn này kéo dài trong 4 tháng, nhưng với các bạn khác, tùy vào khả năng tiếng Anh và động lực học, khoảng thời gian ôn tập có thể dài hoặc ngắn hơn, tuy nhiên, hãy tin rằng IELTS 8.0 là điều hoàn toàn trong tầm tay!
 
I. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU
 
Việc xác định mục tiêu học và thi IELTS sẽ giúp bạn duy trì được sự kiên nhẫn trong quá trình luyện thi, tự động viên bản thân vì mình nhìn thấy thành quả đạt được sau một thời gian nhất định. Vì vậy, hãy tự hỏi mình: Mình cần điểm IELTS bao nhiêu? Việc đạt Band đó sẽ mang lại lợi ích gì cho bản thân mình (xin được học bổng du học, có công việc tốt hơn, phát triển khả năng bản thân…)? Lợi ích càng rõ ràng, động lực học của bạn càng lớn.
 
II. 4 GIAI ĐOẠN ÔN THI IELTS
 
1 Khởi động: Học tiếng Anh nói chung, tìm hiểu Format bài thi và đọc Tips
 
Trong giai đoạn nền tảng này, mình tích cực xem phim, đọc sách, nghe chương trình truyền hình/ thời sự tiếng Anh, viết nhật ký tiếng Anh nếu có thời gian… Túm lại, tìm mọi cách lồng ghép tiếng Anh vào những hoạt động yêu thích hàng ngày của bạn, coi việc học tiếng Anh là một thú vui và tận hưởng nó.
 
Đối với kỹ năng Listening, mình dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho việc Nghe – Chép chính tả. Mình chọn một nguồn nghe giọng Anh-Anh có file transcript nội dung bài nghe (ưu tiên của các trang uy tín như British Council, BBC). Thời gian đầu, với mỗi bài nghe, mình nghe 3 lần: Lần 1 nghe toàn bộ bài để biết nội dung chính. Lần 2, nghe một đoạn gồm khoảng 4-5 từ, ấn nút dừng, ghi lại những gì mình nghe được, cứ như vậy đến hết bài audio mình chọn. Lần 3, nghe lại toàn bộ, dùng bút màu mực khác để sửa lại những chỗ lúc trước mình chưa nghe được. Cuối cùng, mở file transcript ra để kiểm tra. Phương pháp này giúp luyện cho tai mình nhạy bén với từng chi tiết nhỏ trong mỗi bài nghe, sau này khi bước vào luyện đề, bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy đôi tai mình không hề bỏ sót bất kỳ một key word, một chỗ nối âm hay âm cuối của danh từ số nhiều nào cả! Tất nhiên bạn cần rất kiên nhẫn và chịu khó! Hồi đầu mới nghe mình sai nhiều, nghe thiếu nhiều từ. Nhưng càng đến ngày thi, trình nghe càng chuyển biến rõ rệt.
 
Bên cạnh đó, mình tranh thủ tìm hiểu Format của bài thi IELTS. Mỗi kỹ năng có mấy task, mỗi task kéo dài bao lâu, task nào thường dễ và khó hơn các task khác, v.v… Mình đọc các bài chia sẻ của những anh chị đạt IELTS Band >=8, ghi chép lại những kinh nghiệm và phương pháp hay để áp dụng sau này. Ngoài ra, mình còn lên các trang dạy IELTS free để đọc Tips, tổng hợp thành file trên máy tính. Một số kênh Youtube dạy IELTS cũng rất hay, nói dễ nghe, rõ ràng mình cũng đánh dấu trên máy để nghe và ghi chép lại những Tips quan trọng.
 
17 Scientifically Proven Ways to Study Better This Year
Một số nguồn mình tham khảo nhiều nhất:
 
Facebook:
 
- Tự học IELTS 8.0: https://vi-vn.facebook.com/tuhocIelts8.0
 
- IELTS Advantage: https://www.facebook.com/IELTSAdvantage
 
- IELTS Simon: https://www.facebook.com/ieltssimon
 
Website:
 
- http://ieltsadvantage.com/
 
- http://www.ieltsbuddy.com/
 
- http://ielts-simon.com/
 
- http://www.britishcouncil.vn/en/exam/ielts/courses-resources/road-ielts
 
Youtube:
 
- https://www.youtube.com/user/ngocbach2014
 
- https://www.youtube.com/user/ieltssimon
 
Nói chung, nguồn tham khảo thì vô số, lời khuyên của mình là hãy chọn lấy 2-3 nguồn mình cảm thấy hợp phương pháp nhất để theo. Khi đọc hoặc nghe tips mà thấy hữu ích thì nên ghi chép lại một cách có hệ thống, ví dụ: tips cho từng kỹ năng và tips cho từng task của mỗi kỹ năng đó.
 
2 Vượt chướng ngại vật: Chia tasks làm 2 phần và xử lý phần 1
 
Giai đoạn thứ hai, bên cạnh việc duy trì các hoạt động trong giai đoạn Khởi động, mình lên kế hoạch chia nhỏ các Task của từng kỹ năng ra để học. Mục đích là để nắm vững cách làm, chiến thuật và rèn giũa kỹ năng cần có cho từng Task một. Mình rút ra được cách làm này sau khi đọc và tổng hợp tips từ các nguồn trên.
 
Cụ thể như sau:
 
- Với Reading: sử dụng bộ Cambridge IELTS 1-9. Mình lướt toàn bộ quyển sách, đánh dấu các Reading passage cùng dạng (Yes/No/Not given; Heading match; Gap fill…). Sau đó, mỗi ngày mình làm 3 passage của cùng một dạng cho đến khi hoàn thành toàn bộ quyển sách. Lưu ý là trong quá trình làm bài không bấm giờ, để cho bản thân được thoải mái – bạn mới bắt đầu học mà, chưa cần đặt mình dưới áp lực thời gian! Điều quan trọng là:
 
1. Bạn tìm ra được lý do cho mỗi câu trả lời của mình: từ/ câu nào trong bài đọc giúp bạn có được câu trả lời đúng? Đừng chỉ làm qua loa hoặc đoán bừa, sẽ chẳng có tác dụng gì cả.
 
2. IELTS reading is all about synonyms! Câu hỏi và cách diễn đạt trong bài đọc luôn không giống nhau, người ra đề sẽ dùng các từ hoặc cấu trúc diễn đạt khác nhau để nói cùng 1 ý. Vì vậy, sau khi kiểm tra đáp án xong xuôi, mình giở lại bài đọc, nhìn vào câu hỏi, viết ra những từ/ cách diễn đạt đồng nghĩa (synonyms). Càng làm nhiều theo cách này, bạn càng rèn cho bản thân một phản xả nhạy bén trước các kiểu câu hỏi của Reading.
 
Mình áp dụng chiến thuật này đến khi hoàn thành bộ Cam thần thánh.
 
- Với Listening: Mỗi ngày mình nghe 2-3 bài của Section 1. Mình chỉ nghe và làm Section 1 trong tất cả những sách mình có, cho đến khi bài nào cũng đạt điểm tối đa. Vì đây thường là phần dễ nghe nhất trong bài thi, nên mình phải cố gắng ăn điểm tuyệt đối ở phần này.
 
Chiến thuật nghe của mình là nghe 3 lần: Lần 1 cố gắng hết sức để nghe và hoàn thành tất cả các câu hỏi. Lần 2, dùng bút màu mực khác, nghe và ghi lại những câu trả lời mình chưa nghe được ở lần 1. Sau đó mình kiểm tra đáp án và mở phần script ra, vừa nhìn vào đó, vừa nghe lại lần 3. Nếu ở lần 2, bạn nghe được những câu mà lần 1 bị bỏ sót hoặc bị sai, chứng tỏ bạn có tiến bộ! Nếu ở lần 3, bạn nghe kết hợp đọc script và hiểu tại sao đáp án lại như thế, đó là dấu hiệu tốt! Bạn đang tự rèn giũa mình để ngày càng nghe tốt hơn và tư duy được như cách mà câu hỏi IELTS muốn!
Lặp lại cùng chiến thuật này với Section 2.
 
Session 1: What's OU study all about?: 4 How will I find time to ...
 
- Với Speaking: Mình học theo quyển 31 High-scoring Formulas to Answer the IELTS Speaking Question, link download trên fanpage của Tự học IELTS 8.0. Mỗi ngày giở sách ra học 1 Formula. Thường mình mất khoảng 1-1.5 giờ mỗi ngày để học và luyện nói trôi chảy 1 Formula. Ngày hôm sau ngoài học Formula mới thì ôn lại những Formulas đã học các hôm trước. Đây là một chu trình hết sức ngán ngẩm nhưng nó giúp mình tự động tuôn ra những từ/ cấu trúc câu giúp mình đạt band cao hơn, thì tại sao lại không cố gắng nhỉ?
 
Ngoài ra, mỗi tuần, dành ít nhất một buổi để giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ. Đây là cách rất tốt để bạn có hội sử dụng tất cả những Formula học được trong sách, đem nó ứng dụng thực tế và nhờ các bạn bản ngữ sửa lỗi cho mình. Bây giờ có rất nhiều diễn đàn, câu lạc bộ do sinh viên lập nên để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dẫn tour miễn phí, các bạn hoàn toàn có thể tìm thông tin trên mạng và đăng ký tham gia để có cơ hội giao tiếp với các bạn bản ngữ. Cách này cực kỳ hiệu quả, nhưng nếu trong trường hợp không có bạn bè, đồng nghiệp là người bản xứ, thì tự lập nhóm luyện nói cũng khá tốt rồi. Điều quan trọng là bạn cần có môi trường để áp dụng kiến thức trên trang giấy vào giao tiếp trong đời thực.
 
- Với Writing: Ở giai đoạn này mình xử lý Task 2 trước, vì cá nhân mình thích học phần này hơn. Bạn hoàn toàn có thể làm ngược lại.
 
Song song với việc học trong sách Improve your IELTS – Writing Skills của McCarter Whitby (NXB MacMilan), mình đọc tất cả các bài writing sample Task 2 band >=8.0 trên các trang mà mình nêu ở Giai đoạn 1 và trong sách Cambridge IELTS 1-9. Trong lúc đọc, mình làm các việc sau:
 
1. Ghi ra dàn ý của bài sample. Việc này giúp mình học được cách triển khai ý – một kỹ năng vô cùng quan trọng trước khi bắt tay vào viết bài.
 
2. Gạch chân những từ chuyển ý, từ vựng phù hợp với chủ đề, những cách diễn đạt khác nhau cho cùng 1 idea.
 
Học viết theo dạng, mỗi tuần tự viết 1 bài rồi nhờ người khác chữa.
 
3 Tăng tốc: Học Task còn lại của cả 4 kỹ năng
 
- Với Reading: Tiếp tục sử dụng bộ Cambridge IELTS 1-9, nhóm các bài có cùng dạng câu hỏi để luyện.
 
- Với Listening: Duy trì nghe – chép chính tả. Tiến hành luyện Section 3 và 4. Đây là hai phần khó nhất của bài thi nghe, tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chăm chỉ chép chính tả hàng ngày chắc chắn đã giúp bạn nâng trình nghe lên nhiều so với giai đoạn 1. Công việc bây giờ là luyện tập và luyện tập. Chú ý luôn nghe 3 lần để tự mình rút kinh nghiệm.
 
- Với Speaking: Tiếp tục ôn luyện 31 Formulas, kết hợp học theo tips của Simon và duy trì nói chuyện với người bản xứ ít nhất 1 lần/tuần. Cố gắng sử dụng các mẫu câu hiếm gặp, cấu trúc complex hơn bình thường một chút và nhờ các bạn sửa lỗi cho mình để rút kinh nghiệm.
 
- Với Writing: Học viết task 1 theo sách Improve your IELTS – Writing skills của McCarter Whitby và đọc tips cũng như bài sample của Simon và các nguồn khác. Bạn cũng có thể học theo dạng bài, mỗi tuần chủ động viết 1 bài, nếu có thể thì nhờ người có khả năng sửa giúp hoặc bây giờ có nhiều trang chữa IELTS writing trên mạng như Schlarship planet, IELTS Advantage,…
 
4 Về đích: Luyện đề và tăng cường nói chuyện với người bản xứ
 
Đến đây bạn đã hoàn thành 80-90% công việc chuẩn bị cho kỳ thi IELTS của mình! Việc còn lại là bấm giờ - luyện đề. Vì phải đi làm nên thời gian học có hạn, mỗi ngày mình không thể làm cả một bộ đề gồm 4 kỹ năng. Tuy nhiên, mình sắp xếp để mỗi ngày học đều cả 4 kỹ năng theo cách khác nhau. Ví dụ, nếu hôm nay làm trọn vẹn có bấm giờ 1 đề Reading, thì mình sẽ chỉ chép chính tả (Listening), luyện đề Speaking và đọc 2 bài Writing Sample. Hôm khác làm đề Listening thì mình sẽ đọc báo, đọc truyện ít nhất 30 phút, luyện đề Speaking và đọc Writing Sample. Mỗi tuần ít nhất viết 1 bài Writing Task 1 và 1 bài Task 2. Mình vẫn duy trì nói chuyện hàng tuần với bạn người bản xứ.
 
Gần đến ngày thi, mình chọn lọc xem lại các video về tips làm bài để review và tự nhắc nhở bản thân. Nói chung, đến lúc này, ngày thi đã định, và mình cũng trải qua cả 4 giai đoạn ôn thi rồi nên nói thật chỉ muốn thi nhanh cho xong! Bây giờ là lúc tự tin bước vào phòng thi vì biết chắc chắn là mình đã làm mọi việc có thể để chuẩn bị.
 
VÀO NGÀY THI CÁC KỸ NĂNG VIẾT (mình thi viết và nói vào 2 ngày khác nhau)
 
Buổi sáng ngủ dậy mình cố gắng đọc lấy 1-2 bài báo tiếng Anh, chủ đề không quan trọng, mục đích là để khởi động tư duy tiếng Anh của mình. Trên đường đi đến địa điểm thi, mình nghe podcast của BBC radio để khởi động cho tai quen với việc nghe tiếng Anh. Lúc đứng chờ làm thủ tục thi, mình tự nghĩ ra các chủ đề và tìm từ vựng liên quan, ví dụ: chủ đề Animal (elephant, chicken, dog, cat…), chủ đề Weather (sunny, raining, snowing,…) chỉ nhằm mục đích thúc đẩy tư duy của mình suy nghĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Làm theo cách này, khi ngồi vào bàn thi, đầu óc mình chỉ tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh thôi! - rất hiệu quả!
 
VÀO NGÀY THI KỸ NĂNG NÓI
 
Từ lúc ngủ dậy mình xác định hôm đó sẽ chỉ toàn nói tiếng Anh, ít nhất đến khi thi xong bài nói. Buổi sáng, mình gặp bạn bè và nói chuyện phiếm bằng tiếng Anh để bản thân quen với guồng tư duy tiếng Anh và luyện cơ miệng!
Sau đó là bước vào phòng thi và be friendly với giám khảo. Mình biết là mình đã cố gắng hết sức nên cũng không có gì cần nuối tiếc. Trả lời các câu hỏi như mình đã luyện từ bao tháng nay và trò chuyện tự nhiên như với những người bạn mình thường luyện nói cùng (tất nhiên cũng formal hơn chút xíu nhưng mình cảm thấy bối cảnh cũng khá là quen thuộc rồi).
 
TÓM LẠI LÀ GÌ?
Theo mình nghĩ, IELTS cũng chỉ là một kỳ thi trong một hoặc hai ngày, nó không thể 100% đánh giá khả năng ngôn ngữ của bạn nhưng là phản chiếu của một quá trình bạn học ngoại ngữ. Muốn làm tốt trong kỳ thi, hãy cố gắng rèn luyện khả năng ngôn ngữ trước khi rèn kỹ năng làm bài. Đó là lý do vì sao cần có giai đoạn khởi động. Trong quá trình học ôn thi, hãy chia nhỏ các task ra để học và duy trì đều đặn. Gần đến lúc thi thì cần tập trung luyện đề dưới áp lực thời gian để bản thân quen với cách thức thi và không bị bỡ ngỡ khi thi thật.
Cuối cùng là hãy bước vào phòng thi trong tư thế ngẩng cao đầu! Bạn đã cố gắng hết sức mình và xứng đáng có được kết quả như mong muốn! Mà kể cả nếu không đạt kết quả như mình muốn, thì bạn vẫn có thể thi lại bất cứ lúc nào cơ mà!
 
Bạn đã sẵn sàng trong việc chọn trường có điểm IELTS phù hợp để du học?
 
Chúc các bạn học vui và thành công!
Scroll