NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ GIÁO DỤC CÔNG LẬP Ở CANADA

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ GIÁO DỤC CÔNG LẬP Ở CANADA

Là một liên bang gồm 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ, Canada không có bộ giáo dục quốc gia, hệ thống giáo dục được định hình từ trước ngày lập quốc.

Vài năm gần đây, Canada luôn được xếp vào nhóm 3 nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới, theo đánh giá của US News & World Report và World Population Review. Hai tiêu chí quan trọng nhất là cách thức tổ chức, vận hành hệ thống giáo dục công lập và chất lượng giáo dục.

Không có hệ thống giáo dục quốc gia
Canada là nước duy nhất trên thế giới không có bộ giáo dục quốc gia hay hệ thống giáo dục quốc gia. Hiến pháp Canada từ ngày lập quốc năm 1867 đã quy định chính quyền cấp tỉnh bang có trách nhiệm toàn quyền đối với giáo dục cho tất cả cấp học trong phạm vi quản lý hành chính của họ.

Một trong những lý do của sự phân quyền này là để bảo vệ lợi ích của các nhóm dân cư sinh sống ở nhiều vùng miền khác nhau với sự khác biệt đa dạng về sắc tộc, tôn giáo. Mỗi tỉnh bang đều có Đạo luật Giáo dục của riêng mình. Đây là văn bản pháp lý nền tảng về cách thức tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục.

Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục chính là bộ giáo dục các tỉnh bang. Bộ trưởng Giáo dục tỉnh bang do Thủ hiến được bầu bổ nhiệm để nắm quyền. Bộ đặt ra các tiêu chuẩn, xác định chương trình giáo dục khung (curriculum) và phân bổ ngân sách cho sở giáo dục địa phương. Bộ cũng giám sát quá trình cấp chứng chỉ giảng dạy và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trường học (vận chuyển, dịch vụ tiện ích, y tế, thực phẩm và thư viện...).

Dù không có bộ giáo dục liên bang, Hội đồng các bộ trưởng Bộ Giáo dục (CMEC) gồm 13 bộ trưởng các tỉnh bang được thành lập năm 1967 đã thúc đẩy hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung về khung nội dung chương trình, đồng nhất và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, tổ chức hệ thống giáo dục khá tương đồng tại Canada, mặc dù có sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, địa lý và chính trị giữa các các tỉnh bang.

Giáo dục phổ thông gồm 4 bậc
Nhìn chung, giáo dục tại Canada chia làm 4 bậc: mầm non (pre-elementary), tiểu học (elementary school hoặc primary school), trung học (high school hoặc secondary school) và sau trung học (post-secondary).

Một số tỉnh bang có thêm bậc trung học cơ sở (middle school) là bậc kết nối giữa tiểu học và trung học, tùy cách xếp lớp. Giáo dục phổ thông được tính từ mẫu giáo đến hết lớp 12, thường gọi là K-12. Cá biệt tại Quebec, giáo dục phổ thông kết thúc với lớp 11 mà không có lớp 12, trong đó bậc tiểu học gồm từ mẫu giáo đến hết lớp 6, bậc trung học gồm từ lớp 7 đến hết lớp 11.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, có khoảng 15.500 trường học ở Canada, gồm 10.100 trường tiểu học, 3.400 trường trung học, và 2.000 trường hỗn hợp tiểu học và trung học. Trung bình mỗi trường có khoảng 350 học sinh.


Học sinh tiểu học Canada trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Anh Thi.

Hệ thống giáo dục công hơn 170 năm lịch sử
"Giáo dục nên là một ưu tiên chính của các chính phủ", "giáo dục cần thiết như ánh sáng, phải phổ biến như nước và miễn phí như không khí". Đó là tầm nhìn được vạch ra từ năm 1831 và được hiện thực hóa năm 1846 bởi Egerton Ryerson, một bộ trưởng, nhà giáo dục và chính trị gia, người được xem là cha đẻ hệ thống giáo dục phổ thông công lập không chỉ của Ontario mà còn của Canada ngày nay.

Mọi trẻ em sinh ra, hoặc lớn lên ở đất nước này, đều có quyền được hưởng nền giáo dục phù hợp với chúng để trở thành những công dân hữu ích cho đất nước. Quyền này không bị tước đoạt vì sự thiếu năng lực hay vì sự nghèo đói của cha mẹ chúng hoặc của những người giám hộ. Đó là triết lý giáo dục của Egerton Ryerson phát biểu năm 1846, lúc ông chuẩn bị đệ trình dự luật về việc tổ chức hệ thống trường học lần đầu tiên trong lịch sử Canada ra chính quyền tỉnh Tây Canada (Canada West) thuộc quyền cai trị của Vương quốc Anh, chính là lãnh thổ tỉnh bang Ontario bây giờ.

Trong suốt 32 năm công tác (1844-1876), Ryerson đã nghiên cứu các hệ thống giáo dục của hơn 20 nước phương Tây để thiết kế một hệ thống mà ông cho là phù hợp nhất với Canada.

Chính Ryerson đưa vào luật về tổ chức các sở giáo dục địa phương, mở trường đào tạo giáo viên, kiểm soát chương trình giáo dục khung, chỉ cho phép sử dụng những sách giáo khoa đã được phê duyệt và bắt buộc phải có thư viện trong trường học để hỗ trợ giảng dạy.

Ông cũng ủng hộ hệ thống giáo dục phải được ngân sách nhà nước cung cấp một cách công bằng, đồng thời cởi mở trong việc thanh tra, giám sát. Một sáng kiến đột phá nữa của ông là nguồn ngân sách cho giáo dục được thu qua thuế tài sản (chủ yếu là nhà đất), nhờ đó giáo dục phổ thông công lập là miễn phí tại Canada.

Mặc dù cũng là một thành viên giáo sĩ, Ryerson lại ủng hộ mạnh mẽ các trường học phi giáo phái. Nhiều cải cách của ông phản ánh mong muốn giữ quyền kiểm soát các trường học bởi chính người dân chứ không phải nằm trong tay Giáo hội Anh, một thực tế tồn tại lâu đời trước khi ông vào nhiệm sở. Trọng tâm trong chương trình giảng dạy của Ryerson cũng là giáo dục những người trẻ tuổi hướng tới một ý thức chung về đạo đức và bổn phận.

Kể từ khi liên bang Canada chính thức thành lập năm 1867, di sản giáo dục mà Ryerson để lại đã được tiếp nối và phổ biến ở những tỉnh bang, vùng lãnh thổ khác tại Canada cho đến ngày nay.

Tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục các tỉnh bang
Ryerson đã thiết kế cách thức tổ chức, ận hành hệ thống trường học trong đó sở giáo dục địa phương hoàn toàn độc lập với chính quyền sở tại và chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của bộ giáo dục tỉnh bang. Các sở giáo dục địa phương này còn gọi là học khu, tiếng Anh là school board, school district, school division hay district education council đều có ý nghĩa như nhau. Cách tổ chức trên khác với Việt Nam khi các sở giáo dục địa phương chịu sự quản lý của chính quyền tỉnh/thành phố, đồng thời chịu sự lãnh đạo ngành dọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mỗi sở giáo dục địa phương đều có một hội đồng giáo dục (board of education) bao gồm các ủy viên quản trị (school trustee). Hội đồng giáo dục chịu trách nhiệm quản lý giáo dục tại địa phương trước Bộ Giáo dục của tỉnh bang. Một hội đồng giáo dục gồm từ 3, 5, 7 hoặc 9 ủy viên quản trị. Tất cả ủy viên quản trị đều do chính người dân ở đó bầu ra theo nhiệm kỳ, thường là 4 năm.

Do là những đại diện dân cử, hội đồng giáo dục cũng chính là những người luôn nỗ lực đem lại giá trị giáo dục tốt nhất cho địa phương. Trách nhiệm chính của hội đồng giáo dục là quản lý vĩ mô, tuyển chọn lãnh đạo sở, phê duyệt ngân sách đầu tư và vận hành, lắng nghe và giải quyết phản hồi, khiếu nại của phụ huynh và học sinh. Trừ những cuộc họp bất thường, hội đồng giáo dục họp mỗi tháng một lần và các cuộc họp này để mở cho sự tham gia của công chúng.

Hội đồng giáo dục chọn ra đội ngũ lãnh đạo sở thông qua tuyển dụng cạnh tranh công khai. Lãnh đạo sở bao gồm tổng giám đốc (superintendent), các phó tổng giám đốc (deputy superintendent), giám đốc tài chính (secretary-treasurer/CFO), và giám đốc về đào tạo, quản lý vận hành hạ tầng, công nghệ thông tin...

Lãnh đạo sở chính là những người hiện thực hóa chính sách và chiến lược của hội đồng giáo dục, trực tiếp quản lý điều hành hoạt động hàng ngày của sở giáo dục địa phương. Họ cũng phụ trách tuyển dụng giáo viên và đội ngũ nhân sự vận hành các trường học.

Chính nhờ hệ thống giáo dục được thiết kế dựa trên sự công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của người dân nên hệ thống giáo dục phổ thông của Canada luôn được xếp vào nhóm hàng đầu thế giới.



 

Scroll