Chương trình đào tạo ngành Y học cổ truyền (Traditional Chineses Medicine Practitioner) không còn quá xa lạ ở những nước phương Đông. Vậy còn ở các quốc gia phương Tây, cụ thể là ở Canada, chương trình này có gì đặc biệt? Cuộc trò chuyện với bạn Hằng Hà hiện đang là sinh viên ngành Y học cổ truyền tại trường Humber College, Canada để tìm hiểu rõ hơn về nội dung và thế mạnh của khóa học này.
Chào Hà, được biết bạn từng trúng tuyển Đại học KHXH & NV tại Việt Nam. Vậy điều gì khiến bạn quyết định gác lại mọi thứ ở Việt Nam và lên đường du học Canada?
Thực ra, mình đã có suy nghĩ đi du học Canada vào năm lớp 12, nhưng vì chưa đảm bảo việc có thể đi du học hay không nên mình vẫn tham gia kì tuyển sinh Đại học, và mình đã trúng tuyển vào trường Đại học Xã Hội và Nhân Văn. Trong thời gian học ở trường, mình vẫn tiếp tục hoàn thành hồ sơ và tất cả những thủ tục cần thiết để đi du học Canada, đặc biệt là lấy được visa. Sau khi hoàn tất thủ tục chuẩn bị du học Canada, mình dừng quá trình học tại Việt Nam và đi du học tại trường Humber College.
Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với ngành Y học cổ truyền của trường Humber College?
Việc chọn trường Humber College không phải là quyết định của cá nhân mình. Gia đình mình đã được giới thiệu về Humber College khi tham gia hội thảo du học, và sau khi tìm hiểu và trao đổi về trường, gia đình mình thấy hợp lý nên đã đồng ý với lựa chọn này.
Sau khi nhập học, mình phải thi tiếng Anh trước khi đăng ký ngành học chính. Theo mình nhớ, điểm tiếng Anh phải đạt tối thiểu 60. Việc chọn ngành của mình cũng là ngẫu nhiên. Ban đầu, vì thấy ngành này khá thú vị nên mình đã đăng ký thử học 1 ký. Sau kì đó, mình thấy thích và quyết định theo luôn.
Bạn có thể chia sẻ nội dung đào tạo của chương trình Y học cổ truyền tại Humber College?
Chương trình Y học cổ truyền tại Humber College là chương trình đầu tiên và cũng là duy nhất được cung cấp tại một cơ sờ giáo dục sau Trung học tại Canada. Chương trình bao gồm 6 kì.
- Kì 1 tập trung vào các môn nhập môn như sự bảo tồn lĩnh vực Y học cổ truyền, nền tảng Y học cổ truyền, giải phẫu cơ bản và sinh lý học, quan sát lâm sàng. Ngoài ra, kĩ năng đọc và viết cũng được nhà trường chú trọng rèn luyện cho người học.
- Kì 2 bao gồm các môn tâm lý học, chuẩn đoán, giải phẫu tại phòng thí nghiệm, dụng cụ y tế, massage. Thời điểm này cũng là lúc mình được bắt đầu đi thực tập tại phòng khám (chủ yếu là quan sát và học hỏi).
- Kì 3 tập trung vào châm cứu. Một số môn như về kinh mạch và huyệt đạo, những loại thuốc đông y, học châm cứu ở phòng thí nghiệm, những điều an toàn khi sử dụng Y học truyền thống.
- Kì 4 gắn liền với nội khoa, kĩ thuật châm cứu, dược lý, xác định vị trí lâm sàng và tiếp tục đi thực tập tại phòng mạch.
- Kì 5 tiếp tục học về nội khoa, sản phẩm sức khỏe không kê đơn và tự nhiên, đánh giá sức khỏe, tiếp tục xác định vị trí lâm sàng, và học về da liễu.
- Kì 6 là những nội dung liên quan đến phụ khoa, nhi khoa và lão khoa, phương pháp thống kê và xác định sinh học, xác định vị trí lâm sàng và đi thực tập, y học cổ truyền trong thể thao và chỉnh hình.
Cá nhân bạn đã gặp phải những khó khăn nào trong quá trình học?
Đối với mình, khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ. Do yêu cầu tiếng Anh khi nộp hồ sơ du học là IELTS 5.5 và mình cũng chỉ vừa đủ điểm qua nên trình độ tiếng Anh của mình còn hạn chế, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, khi mới sang, mình cũng kịp làm quen với các bạn du học sinh Việt Nam, và những người bạn này đã hỗ trợ mình, giúp mình không quá bỡ ngỡ. Khả năng giao tiếp thông thường của mình cũng từ từ được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, tiếng Anh chuyên ngành thì rất khó. Cả khóa cũng chỉ có mình là người Việt theo học ngành này, do đó mình phải tự học rất nhiều. Việc đơn giản nhất và không thể không làm đó là tra từ điển.
Do tiếng Anh chuyên ngành của ngành y rất là dài, mình phải tra đi tra lại, cộng với việc nghe giảng và ghi chép, nên dần dần cũng quen. Nếu mình không hiểu ở đâu, thì mình sẽ hỏi thầy cô và bạn bè trên lớp và họ rất sẵn sàng hỗ trợ mình. Có khi giải thích xong mình không hiểu, họ lại cố sử dụng những từ đơn giản hơn và dùng ngôn ngữ cơ thể để giải thích cho mình.
Hạn chế thứ hai đối với mình đó chính là cường độ của chương trình học. Nếu như ở trường đại học tại Việt Nam, các khóa học thường kéo dài lên tới 6 -7 năm thì ở đây chương trình chỉ kéo dài trong 3 năm, do đó bạn phải làm quen với những môn chuyên ngành ngay từ những ngày đầu. Cá nhân mình khá sốc vào giai đoạn đầu vì khối lượng kiến thức thực sự là rất lớn. Chưa kể, ngay từ kì 2, mình đã phải đi thực tập ở phòng khám nên bản thân đã phải cố gắng rất nhiều để có thể liên hệ lý thuyết và thực tế. Tính thực tiễn và những cơ hội thực hành này cũng chính là ưu thế của khóa học, cho phép sinh viên dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình thực tập của bản thân?
Thông thường, những ngành khác sẽ đi thực tập vào kì cuối, còn ngành của mình sẽ đi thực tập từ kì 2 và cụ thể là vào dịp hè. Trường sẽ gửi danh sách những phòng khám để mình tham khảo, sau đó, mình phải chọn và xin đi phỏng vấn. Nếu được nhận, mình sẽ phải hoàn thành 120 giờ thực hành tại cơ sở đó.
Quá trình thực tập này cho phép mình quan sát và tìm hiểu về các ca bệnh, còn bản thân sinh viên vẫn tuyệt đối không được chữa trị cho bệnh nhân. Đi thực tập như là một môn học bắt buộc và mọi sinh viên phải tham gia. Nếu không, bạn sẽ không được tốt nghiệp.
Rất cảm ơn về những chia sẻ bổ ích từ bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và thành công trên con đường bạn đã chọn!
Liên hệ với VIET STAR CENTRE để được tư vấn du học Canada và hướng dẫn một lộ trình học phù hợp nhất các bạn nhé!